CẤU TRÚC ĐỀ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC TIẾNG VIỆT
Bài thi đánh giá năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài gồm có 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Cụ thể:
1. BÀI THI NGHE:
a. Thời gian: 60 phút (kể cả thời gian chọn phương án vào phiếu trả lời); chỉ nghe 1 lần.
b. Miêu tả chung: Đề thi gồm 4 phần:
Phần 1: Thí sinh nghe một phát ngôn (câu nói), hội thoại ngắn.
Phần 2: Thí sinh nghe các hướng dẫn, thông báo, hội thoại ngắn.
Phần 3: Thí sinh nghe các bài hội thoại vừa và dài.
Phần 4: Thí sinh nghe các bài diễn văn, bài giảng, bài nói chuyện dài.
c. Miêu tả chung về nội dung (ngữ liệu đầu vào/ ngữ liệu nghe): Thí sinh nghe hội thoại và bài nói có các thông tin về cá nhân, gia đình, công việc thường ngày, các chủ đề về xã hội và học thuật. Tốc độ nói tương đương tốc độ nói tự nhiên của người bản ngữ hay người sử dụng tiếng Việt thành thạo.
d. Miêu tả chung về cách thức trả lời: Mỗi câu hỏi, thí sinh chọn một phương án đúng từ 3 hoặc 4 phương án lựa chọn cho trước; sau đó tô vào ô tương ứng trên phiếu trả lời.
e. Số lượng câu hỏi: 55 câu, theo nguyên tắc từ dễ đến khó.
g.Tổng điểm: 55 điểm, sau đó quy đổi theo thang điểm 10.
2. BÀI THI ĐỌC:
a. Thời gian: 60 phút
b. Mục tiêu: Kiểm tra đánh giá khả năng đọc hiểu các dạng văn bản khác nhau.
c. Cấu trúc bài thi đọc:
Bài thi Đọc gồm hai phần: Phần 1 đọc về những vấn đề chung, thường gặp trong đời sống hằng ngày, phần 2 đọc về những vấn đề khoa học, văn chương, báo chí. trong mỗi phần có thể gồm một hoặc vài ba đoạn trích văn bản (gọi là một bài đọc). Sau mỗi bài đọc sẽ có các câu hỏi, mỗi câu hỏi có 4 phương án để lựa chọn trả lời.
d. Miêu tả chung về ngữ liệu bài đọc
Phần 1. Đọc về những vấn đề chung, thường gặp trong đời sống hằng ngày; đánh giá trình độ 1, 2, 3. Có thể yêu cầu đọc một hoặc hai bài, tổng độ dài khoảng 900 - 950 tiếng (chữ).
Phần 2. Đọc những vấn đề về khoa học, văn chương, báo chí, đánh giá trình độ bậc 4-5-6. Có thể yêu cầu đọc một hoặc hai, ba bài, tổng độ dài khoảng 1300 - 1350 tiếng.
Độ dài toàn bài thi đọc (hai phần): Khoảng 2200 - 2300 tiếng.
Độ khó của bài đọc và câu hỏi: Tương ứng từ bậc 1 đến bậc 6.
e. Mô tả chi tiết ngữ liệu bài đọc và câu hỏi kiểm tra (ở đây chọn phương án trình bày tách các đoạn trích văn bản ứng với các trình độ):
Phần 1: Gồm hai đoạn trích văn bản (gọi là bài đọc).
Bài 1: Tương ứng với trình độ bậc 1 và 2, có độ dài khoảng 500 - 550 tiếng, thuộc chủ đề miêu tả, hướng dẫn, kể chuyện đời sống hằng ngày.
Bài 2: Tương ứng với trình độ bậc 3, có độ dài khoảng 400 – 420 tiếng, thuộc chủ đề nói về các hoạt động hoặc vấn đề của xã hội, cá nhân trong đời sống hằng ngày.
Câu hỏi cho phần 1: 16 câu
Phần 2: Gồm ba bài đọc
Bài 3: Khoảng 450 tiếng, về khoa học tự nhiên hoặc khoa học nhân văn.
Bài 4: Khoảng 450 tiếng, về khoa học tự nhiên hoặc khoa học nhân văn.
Bài 5: Khoảng 450 tiếng thuộc một ngành/chuyên ngành khoa học tự nhiên, hoặc khoa học nhân văn, hoặc văn chương.
Câu hỏi cho phần 2: 24 câu
Tất cả các bài của cả hai phần đều ưu tiên những văn bản viết về Việt Nam hoặc sự kiện liên quan đến Việt Nam.
Tính điểm:
- Tổng điểm: 40 điểm
- Tổng số câu hỏi: 40 câu; mỗi câu 01 điểm, sau đó quy đổi theo thang điểm 10.
3. BÀI THI NÓI:
a. Thời gian: 15 phút.
b. Đề thi năng lực Nói gồm:
Phần 1: Tương tác xã hội
Phần 2: Thảo luận về giải pháp
Phần 3: Nói theo chủ đề (Phát triển chủ đề).
c. Miêu tả từng phần:
Phần 1: Giao tiếp xã hội
Trong phần này, giám khảo hỏi thí sinh từ 3 đến 6 câu hỏi thuộc hơn một chủ đề khác nhau. Thí sinh trả lời câu hỏi. Các câu hỏi được thiết kế dưới dạng câu hỏi mở và/ hoặc đóng.
Phần 2: Thảo luận giải pháp
Thí sinh được cung cấp một tình huống với 2 hoặc hơn 2 lựa chọn để giải quyết một vấn đề nêu ra. Thí sinh đưa ra lập luận về giải pháp mà mình cho là tối ưu và lập luận tại sao không chọn các giải pháp khác.
Phần này được thiết kế dưới dạng một đoạn văn ngắn và có thể có các bản đồ, sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh kèm theo.
Phần 3: Phát triển chủ đề
Trong phần này, thí sinh trình bày sự phát triển ý về một chủ đề cho trước. Thí sinh có thể được cung cấp bản đồ, sơ đồ, hình ảnh và được sử dụng dàn ý cho trước dưới dạng sơ đồ hoặc/và có thể sử dụng dàn ý riêng của mình để phát triển chủ đề. Sau khi thí sinh trình bày xong bài nói, giám khảo hỏi 1-3 câu hỏi liên quan tới nội dung chủ đề.
Chủ đề để phát triển ý được trình bày dưới dạng một câu hoàn chỉnh, hoặc một đoạn văn ngắn có thể kèm theo bản đồ, sơ đồ, hình ảnh. Dàn ý gợi ý cho thí sinh sử dụng để phát triển ý được trình bày dưới dạng một sơ đồ tư duy. Mỗi ý của dàn ý và chủ đề trong sơ đồ tư duy được nêu bằng danh từ hoặc cụm danh từ, bằng động từ hoặc tính từ.
Ba câu hỏi nên được ưu tiên là câu có dùng từ để hỏi. Câu hỏi 1 được thiết kế cho thí sinh có thể đạt bậc 3; câu hỏi 2 được thiết kế cho thí sinh có thể đạt bậc 4; câu hỏi 3 được thiết kế cho thí sinh có thể đạt bậc 5 và bậc 6 theo Khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài.
d. Tổng số nhiệm vụ: 3 nhiệm vụ.
e. Tổng điểm: 10 điểm theo thang điểm 10.
4. BÀI THI VIẾT:
a. Thời gian: 60 phút.
b. Miêu tả chung các phần: Đề thi gồm có 3 phần, nhằm kiểm tra năng lực giao tiếp viết bằng tiếng Việt, cho thí sinh trình độ từ bậc 1 đến bậc 6 theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.
c. Miêu tả chung về ngôn ngữ đầu vào (ngôn ngữ đề thi)/ngôn ngữ đầu ra (ngôn ngữ viết của thí sinh):
+ Ngữ liệu đầu vào được thể hiện dưới dạng văn bản, là những thông tin, chủ đề liên quan đến các lĩnh vực quen thuộc của đời sống, hay lĩnh vực học thuật cho người không chuyên.
+ Ngữ liệu đầu ra là một văn bản đã được điền khuyết, một bức thư có chức năng giao tiếp nào đó và một bài luận chung hoặc bài luận học thuật, cung cấp thông tin, tóm tắt thông tin, thể hiện ý kiến, quan điểm cá nhân.
d. Miêu tả tóm tắt về mỗi phần:
+ Phần 1: Bài thi viết chính tả tiếng Việt thực hiện trong thời gian 10 phút. Số từ trong văn bản đầu vào không quá 120 tiếng. Chấm điểm theo trọng số 1/4. Thí sinh có nhiệm vụ nghe để viết đúng từ ngữ được nghe. Thí sinh phải nghe trong quá trình kéo dài liên tục của văn bản và trong khi viết, họ phải thể hiện các dấu câu, chính tả của một đoạn hoặc hơn một đoạn. Thí sinh chỉ được nghe một lần. Thời gian chuẩn bị trước khi nghe là 4 phút.
+ Phần 2: Thời gian làm bài 20 phút. Số từ yêu cầu: tối thiểu 120 tiếng. Chấm điểm theo trọng số 1/4. Thí sinh viết một bức thư/email, gửi cho người khác nhằm hỏi thông tin hoặc trả lời một bức thư/email cho sẵn… để thực hiện những nhu cầu giao tiếp khác nhau. Nhiệm vụ này kiểm tra kỹ năng viết tương tác.
+ Phần 3: Thời gian làm bài 30 phút. Số từ yêu cầu: tối thiểu 200 tiếng. Chấm điểm theo trọng số 2/4. Thí sinh viết một bài luận về một chủ đề chung hoặc chủ đề học thuật theo yêu cầu, dùng kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân để xây dựng lập luận. Nhiệm vụ này kiểm tra kỹ năng viết luận.